Bắc Kạn xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm gắn với du lịch trải nghiệm tại Ba Bể

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 02/06/2022 20:48 PM (GMT+7)
Để quảng bá, tiêu thụ được tốt hơn các sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với du lịch trải nghiệm thông qua chuỗi hoạt động trong sự kiện "Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP và trải nghiệm sinh thái vùng bí xanh thơm Ba Bể".
Bình luận 0

Chiều 1/6, tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chương trình trải nghiệm sinh thái vùng bí xanh thơm Ba Bể.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 1.

Du khách háo hức chụp ảnh lưu niệm tại cánh đồng bí xanh thơm của xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Bí xanh thơm là giống bí bản địa đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn, có hương thơm dịu, dẻo, vị đậm và đặc biệt tốt cho sức khỏe.

Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có hơn 200ha diện tích trồng bí xanh thơm, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Bể với sản lượng ước đạt 8000 tấn.

Bí xanh thơm đã đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ PCS, chứng nhận OCOP 3 sao.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 2.

Người dân thôn Bản Váng, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cắt bí xanh thơm cho khách. Ảnh: Chiến Hoàng

Trong chương trình trải nghiệm sinh thái vùng bí xanh thơm Ba Bể, du khách được mục sở thị những trái bí xanh thơm ngát hương với những giàn bí trải dài vô tận tại thôn Bản Váng (xã Địa Linh).

Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm sinh thái rừng trúc tại Pù Lầu (nơi gần như 100% dân tộc Dao sinh sống) của xã Yến Dương, huyện Ba Bể.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 3.

Rừng trúc tại Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Du khách cũng có thể đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên với thác Pù Lầu mềm mại như mái tóc những cô gái ở vùng non cao này.

Dù còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông nông thôn còn hạn chế nhưng với vẻ đẹp tiềm ẩn, khu sinh thái rừng trúc, thác Pù Lầu vẫn hấp dẫn bước chân du khách bằng chính sự nguyên sơ gần gũi và khí hậu mát lạnh vốn có của dãy Fja Bjoóc hùng vĩ.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm mô hình nuôi cá tầm, cá hồi tại Pù Lầu (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 5.

Du khách tham quan suối thác Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngoài ra, trong chương trình trải nghiệm, du khách còn được tham quan các mô hình nuôi cá tầm, cá hồi trên núi. Nước nuôi cá tầm, cá hồi được người dân địa phương dẫn về từ chính dòng thác Pù Lầu.

Mô hình nuôi cá tầm, cá hồi không chỉ đem lại thu nhập cho người Dao ở đây, mà nay còn trở thành một trong những thành tố quan trọng của du lịch trải nghiệm tại địa phương.

Ông Đỗ Minh Quân, du khách Hà Nội cho biết, đây là một trải nghiệm rất thú vị. Xu hướng du lịch trải nghiệm đang phổ biến, cả nước cũng đang có nhiều mô hình như tại huyện Ba Bể, và sẽ rất phát triển trong thời gian tới.

"Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, và cũng đã thấy được cơ hội của du khách khi được được sờ, thấy tận mắt các sản vật và được trải nghiệm trực tiếp ngay tại cánh đồng bí xanh thơm này", ông Quân chia sẻ.

Là người dân địa phương, chị Nông Thị Chiêng, HTX Thanh Đức (huyện Ba Bể) bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ các bộ, ngành, chính quyền các cấp cũng như cơ quan chuyên môn để sản phẩm bí xanh thơm của xã Địa Linh ngày một phát triển và được biết đến nhiều hơn.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 6.

Du khách chia sẻ cảm xúc về chuyến trải nghiệm tại cánh đồng bí xanh thơm xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn là chương trình được ghi nhận có kết quả khá tốt trong 4 năm vừa qua với hơn 155 sản phẩm OCOP.

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, định hướng phát triển chương trình OCOP trong thời gian tới nằm trong tổng thể chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hiện tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng nhiều giải pháp, định hướng cho việc phát triển chương trình, trong đó có việc gắn các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP với du lịch trải nghiệm. Từ đó, phát triển thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc trong đời sống và trong sản xuất.

"Nếu thực hiện được thì đây sẽ là một nguồn lực, là giải pháp rất tốt để phát triển thị trường các sản phẩm OCOP, thị trường bán tại chỗ. Từ đó, giúp người nông dân có thu nhập tốt hơn, đời sống được cải thiện, du khách cũng biết, người tiêu dùng cũng biết rõ hơn nơi xuất xứ của sản phẩm," Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 7.

Khai mạc Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Ảnh Chiến Hoàng

Cũng trong tối 1/6, tại tiểu khu I, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã khai mạc Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Sự kiện có sự tham gia của 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn và các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của từng đơn vị, địa phương.

Trong đó, 34 gian hàng cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của các huyện, thành phố và 16 gian hàng cho Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn cùng các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm - Ảnh 8.

Du khách tham quan và lựa chọn sản phẩm nông sản tại Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Đỗ Thị Minh Hoa thông tin, đây là dịp để tỉnh Bắc Kạn quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.

Ngày hội giới thiệu sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm nông sản sạch, an toàn của tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh, thành phố trong cả nước, giới thiệu tiềm năng, các chính sách ưu đãi của địa phương nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, nông nghiệp, nông thôn.

Qua đó thúc đẩy sự gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, HTX, các hội, hiệp hội của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu ký kết cung cấp tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 3/6. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem