Bắc Kạn: Nhiều xã nghèo "đánh vật" với tiêu chí thu nhập

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 05/12/2019 15:19 PM (GMT+7)
Đóng cửa rừng, thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, rất nhiều xã của tỉnh Bắc Kạn loay hoay đánh vật với tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt khi thực hiện theo cách tính thu nhập hiện nay thì để đạt được tiêu chí này đối với nhiều địa phương đôi khi còn khó hơn cả đường lên trời.
Bình luận 0

Vượt hơn 20km đường đèo hun hút, phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt mới đến được xã Yên Hân, một trong những xã 135 của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Giống như các xã cùng trục tuyến tỉnh lộ 256, Yên Hân được bao bọc bởi những cánh rừng, tuy nhiên chủ yếu là rừng nghèo kiệt, rừng phòng hộ. Nhất là sau khi đóng cửa rừng, người dân không thể cải tạo, phát trồng mới nên ngoài làm ruộng, bà con chỉ biết đi làm thuê làm mướn hoặc "ngồi chơi xơi nước" nên cuộc sống rất khó khăn.

Ông Ma Quang Thảo, cán bộ nông lâm nghiệp xã Yên Hân cho biết, toàn xã có hơn 2000ha đất lâm nghiệp, tuy nhiên rừng phòng hộ đã chiếm đến 500ha, phần còn lại chủ yếu là rừng nghèo. Khi nhà nước đóng cửa rừng, bà con không thể cải tạo, phát mới trồng rừng nên rất khó khăn, thiếu thốn.

img

Xã Yên Hân có ít đất nông nghiệp, đất rừng thì chủ yếu là rừng nghèo kiệt nên bà con gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Ảnh: Chiến Thắng

Dẫn chúng tôi về thôn Bản Mộc, nơi có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 64%, ông Thảo cho biết, ở đây bà con chủ yếu là làm nông, đất nông nghiệp ít, rừng thì đóng cửa. "Để thoát, giảm nghèo khó khăn lắm, chỉ có đi lao động xuất khẩu hoặc đi làm công nhân cho các công ty thôi. Ở xã, có thôn 100% là hộ nghèo, điển hình như thôn Tát Vạ," ông Thảo nói.

Con theo ông Ma Văn Thắng, trưởng thôn Bản Mộc, thôn có 200ha rừng, toàn rừng nghèo kiệt, muốn cải tạo, phát, trồng mới cũng không được. Hầu như nhà nào trong thôn cũng có khoảng 3ha rừng trở lên, tuy nhiên mới chỉ trồng được rất ít thì đóng cửa rừng, nhà ông cũng chỉ kịp trồng có 0,5ha.

“Thanh niên trẻ khỏe thì đi công ty, xuất khẩu lao động, làm phụ hồ… còn người có tuổi không đâu thuê thì quanh quẩn ở nhà ngồi chơi xơi nước nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Gia đình tôi trước đó 2 tháng cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo của thôn”, ông Thắng buồn bã.

Nói về khó khăn, ông Trình Văn Trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Yên Hân cho biết, dù đã rất nỗ lực để giảm nghèo và hướng đến xây dựng xã thành xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên tiêu chí thu nhập của xã rất khó đạt. Đất nông nghiệp ít, đất rừng thì chủ yếu là rừng nghèo kiệt, lại thêm đóng cửa rừng nên bà con gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

“Thiếu đất canh tác, lao động tại địa phương đi làm cho các công ty và đi xuất khẩu lao động; ở lại chỉ còn đa phần là người già, trẻ nhỏ do vậy để đạt tiêu chí thu nhập lại càng gặp khó khăn. Những lao động đi xuất khẩu hoặc đi làm cho các công ty có thu nhập cao, tuy nhiên theo cách tính mà Chi cục Thống kê và Phòng Tài chính huyện vừa tập huấn, những người không ở địa phương từ 6 tháng trở lên có gửi tiền về cũng sẽ không được tính vào thu nhập của gia đình”, ông Trường nói.

Căn cứ theo cách tính thu nhập trên, với thực tế địa phương thì việc đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn NTM chắc chắn là không thể. Ông Trường cũng cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã rất nỗ lực trong việc giảm nghèo, đã sử dụng hiệu quả các các nguồn lực giảm nghèo, các dự án sinh kế… tuy nhiên không thấm vào đâu. Dự án nuôi gà lông màu chẳng hạn, tuy các hộ nhận nuôi đều chăm sóc tốt, 65 ngày đã đạt 2,5kg/con, nhưng chỉ với vài chục con thì cũng thật khó thoát nghèo. Tất cả còn dựa vào cả nỗ lực của bà con nữa".

img

Dự án nuôi gà lông màu tuy thực hiện hiệu quả, nhưng các hộ nằm trọng diện hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án cũng chỉ được 20 - 55 con gà nên rất khó để thoát nghèo. Ảnh: Chiến Thắng

Còn theo ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Cư (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn), xã có hơn 4000ha đất lâm nghiệp, tuy nhiên cũng gặp khó khăn khi đóng cửa rừng, bởi là xã 135, chủ yếu dựa vào phát triển nông lâm nghiệp. Thực tế toàn xã mới chỉ có hơn 800ha rừng trồng, lao động địa phương đi làm công nhân cho các khu công nghiệp rất nhiều, có cả đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên theo cách tính thu nhập hiện nay, nguồn thu nhập đó không được tính. Xã Yên Cư hiện vẫn còn có hơn 70% hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Triệu Đức Văn, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, không được cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là do Nhà nước đóng của rừng, thực hiện trên toàn quốc chứ không riêng gì Bắc Kạn; đúng là có khó khăn đối với nhiều địa phương trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Với huyện Chợ Mới, chúng tôi cũng đã xây dựng đề án để phát theo băng trồng dưới tán rừng, đề án đã được duyệt, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kinh phí thực hiện.

“Đề án khi được triển khai thực hiện sẽ giải quyết được phần nào khó khăn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên để thực hiện cũng phải đề xuất, thẩm định từng đối tượng cụ thể chứ không thể đại trà được, làm tốt công tác thẩm định nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc thực hiện đề án để khai thác gỗ rừng tự nhiên, không quản lý được”, ông Văn nói.

Theo ông Văn, Đề án Phát triển sản xuất Nông lâm nghiệp huyện Chợ Mới giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, hiện còn phải xây dựng kế hoạch cụ thể và đợi có kinh phí mới thực hiện được.

Tính đến tháng 10/2019, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh Bắc Kạn có 15 xã/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩnNTM. Trong đó tiêu chí khó đạt nhất vẫn là tiêu chí thu nhập. Nguy cơ rớt chuẩn NTM cũng nằm ở tiêu chí này.

Tại Hội nghị tổng kết 10 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, ông Nguyễn Văn Du, Ủy viên Trung ưng Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn đặc biệt lưu ý các địa phương cần chú trọng nhóm tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem