Mô hình ICM trên cây bưởi là gì mà nông dân áp dụng thu lãi tăng gần 100 triệu/ha?

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 28/12/2022 12:54 PM (GMT+7)
Đến nay, các hộ dân thuộc HTX bưởi Xuân Thủy (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, Phú Thọ) đã áp dụng mô hình ICM trên cây bưởi được gần một năm. Nhờ áp dụng mô hình ICM, cây bưởi cho năng suất tăng gần 20%, chất lượng, mẫu mã được cải thiện, hiệu quả kinh tế cũng tăng rõ rệt.
Bình luận 0

Hiệu quả từ mô hình ICM trên cây bưởi

Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) là quy trình sản xuất kết hợp hài hòa giữa các biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại và quản lý kinh tế, với mục tiêu đem lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tránh sự lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và ít ảnh hưởng tới môi trường nhất.

Hiệu quả mô hình quản lý cây trồng ICM trên cây Bưởi gắn với tổ dịch vụ - Ảnh 1.

Áp dụng mô hình ICM, giá trị cây bưởi trồng tăng lên gần 100 triệu/1ha và chất lượng, mẫu mã cải thiện rõ rệt. Ảnh: HN

Năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã triển khai mô hình ICM gắn với tổ dịch vụ, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại HTX bưởi Xuân Thủy (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, Phú Thọ). Việc triển khai mô hình nhằm giúp các hộ nông dân trồng cây bưởi có điều kiện phát triển bền vững, tránh trường hợp mạnh ai nấy làm, giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ và tăng hiệu quả sản xuất cây bưởi,

Mô hình được triển khai trên quy mô 10ha của 13 hộ trồng bưởi trong HTX bưởi Xuân Thủy. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật: Làm cỏ, tưới nước giữ ẩm cho cây bưởi, tỉa cành, tạo tán, giúp loại bỏ những nhánh vô hiệu sau khi thu hoạch, bón phân hữu cơ kết hợp với phân vi sinh, phân hóa học theo tỉ lệ cân đối, theo khung thời gian phù hợp…

Hiệu quả mô hình quản lý cây trồng ICM trên cây Bưởi gắn với tổ dịch vụ - Ảnh 2.

Bước đầu thu hoạch, đánh giá, trồng bưởi áp dụng mô hình ICM cho năng suất, chất lượng, mẫu mã tăng lên rõ so với ngoài mô hình. Ảnh: HN

Đối với công tác phòng trừ sâu bệnh, mô hình được thực hiện theo hình thức dịch vụ BVTV. Hằng kỳ, cán bộ của chi cục phối hợp hướng dẫn HTX điều tra, phát hiện sâu bệnh gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ trong sản xuất bưởi VietGAP.

Đối với kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Chi cục phối hợp với HTX thiết kế tem điện tử truy xuất nguồn gốc và hộp đựng sản phẩm để giới thiệu quảng bá sản phẩm, kết nối với Công ty CP chế biến nông sản Việt Xanh để tiêu thụ sản phẩm cho HTX…

Ông Nguyễn Văn Nên, Giám đốc HTX bưởi Xuân Thủy cho biết, HTX đang tập trung phát triển cây bưởi theo mô hình quản lý cây trồng tổng hợp gắn với tổ dịch vụ. Trong quá trình vừa sản xuất vừa học tập đưa mô hình ICM trên cây bưởi, bước đầu cho sản lượng tốt hơn so với trồng tự nhiên, mẫu mã bưởi đẹp hơn, chất lượng quả bưởi được khách hàng đánh giá cao, người tiêu dùng phản hồi tốt…

Nhân rộng mô hình ICM trên cây bưởi

Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết: "Sau gần một năm thực hiện, kết quả cho thấy vườn bưởi thực hiện mô hình ICM có ít sâu bệnh gây hại hơn, số lần cần phun thuốc BVTV ít hơn hai lần so với vườn bưởi trồng, chăm sóc theo tập quán."

Theo ông Đạo, áp dụng mô hình ICM trên cây bưởi đã giúp giảm chi phí sản xuất và tỉ lệ quả bị nám do sâu bệnh gây ra, cải thiện được mẫu mã quả, tăng giá trị kinh tế. Việc sử dụng phân bón kết hợp hữu cơ và hóa học cũng giúp giảm chi phí phân bón, giảm độ thoái hóa, bảo vệ độ phì của đất, góp phần bảo vệ môi trường.

Các vườn bưởi có áp dụng mô hình ICM cho lượng quả cao hơn, trung bình trên 20 quả/cây. Tổng doanh thu của vườn bưởi áp dụng mô hình ICM đạt khoảng 220 triệu đồng/ha (cao hơn vườn trồng bưởi theo tập quán trên 90 triệu đồng), lợi nhuận đạt khoảng 172 triệu đồng/ha (cao hơn khoảng 90 triệu đồng so với vườn tập quán).

Hiệu quả mô hình quản lý cây trồng ICM trên cây Bưởi gắn với tổ dịch vụ - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình ICM trên cây bưởi tại HTX bưởi Xuân Thủy. Ảnh: HN

Vào cuối tháng 8 vừa qua, HTX bưởi Xuân Thủy đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp tem truy xuất nguồn gốc mã vạch điện tử, mã số định danh cho bưởi xuất khẩu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ...

"Những kết quả tích cực mô hình ICM của HTX bưởi Xuân Thủy mang lại sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt mô hình ICM sẽ đưa cây bưởi trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh cây bưởi, thời gian tới, Chi cục cũng sẽ tiếp tục triển khai mô hình ICM vào một số loại cây trồng khác, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho người tiêu dùng" - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem