Anh tung 1 tỉ bảng cho chiến lược phát triển ngành chip nội địa

Thứ bảy, ngày 20/05/2023 17:36 PM (GMT+7)
Ngày 18/5. Chính phủ Anh công bố khoản hỗ trợ 1 tỉ bảng Anh (1,24 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, tăng cường khả năng sản xuất chip và ngăn chặn nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong tương lai.
Bình luận 0
Anh công bố ngân sách hỗ trợ 1 tỉ bảng cho chiến lược phát triển ngành chip nội địa - Ảnh 1.

Chip bán dẫn trên bảng mạch của máy tính, ngày 25/2/2022. Reuters/Florence Lo/Illustration

Khoản ngân sách đầu tư này nằm trong khuôn khổ của chiến lược phát triển ngành bán dẫn trong kế hoạch 20 năm của chính phủ Anh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chip nội địa và bảo vệ chống lại những rủi ro an ninh quốc gia.

Chiến lược, được công bố cuối ngày 19/5, đặt ra hàng loạt những biện pháp thúc đẩy phát triển và sản xuất chip nội địa của Anh, giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn và bảo vệ an ninh quốc gia.

Chính phủ Anh đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với những đối tác quốc tế như một phần then chốt trong chiến lược phát triển ngành chip. Tuần này, tại Hiroshima, Anh đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng an ninh và phát triển ngành bán dẫn.

Theo tuyên bố này, chính phủ Anh sẽ đầu tư khoảng 200 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 trước khi mở rộng cam kết lên tới 1 tỉ bảng trong thập kỷ tới. Khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tài năng, tiếp cận với các nguyên mẫu, công cụ kỹ thuật và hỗ trợ kinh doanh sản xuất.

“Các linh kiện bán dẫn trở thành nền tảng cho những thiết bị chúng ta sử dụng hàng ngày và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy những công nghệ của tương lai”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong một tuyên bố nhấn mạnh.

Ông nói thêm: “Chiến lược mới tập trung mọi nỗ lực vào những điểm mạnh hiện có trong các lĩnh vực như nghiên cứu và thiết kế, để quốc gia có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bằng chiến lược tăng cường năng lực và sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, đạt vị thế hàng đầu thế giới, chúng ta sẽ đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế, tạo ra nhiều việc và luôn đi đầu trong các đột phá công nghệ mới”.

Chính phủ Anh cho biết, để ngăn chặn sự gián đoạn do thiếu hụt nguồn cung trong tương lai, họ sẽ ban hành những hướng dẫn mới, kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp về rủi ro của những cú sốc từ nguồn cung, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ổn định của chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Một ban cố vấn bao gồm các đại diện từ ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ và các viện nghiên cứu được thành lập để hợp tác chặt chẽ về việc đưa ra các giải pháp và hiện thực hóa những giải pháp này.

Kế hoạch hỗ trợ phù hợp

Thay vì đưa ra cam kết cung cấp những khoản ngân sách hỗ trợ lớn như Mỹ và EU, Anh đặt ra một phương thức tiếp cận khác nhằm mục đích thúc đẩy những lĩnh vực mà quốc gia này có chuyên môn và kinh nghiệm.

Các quan chức nội các thừa nhận, sẽ không phù hợp nếu Anh kêu gọi và hỗ trợ tài chính xây dựng những nhà máy sản xuất bán dẫn quy mô lớn nội địa, như những nhà máy do công ty sản xuất chip khổng lồ TSMC vận hành để sản xuất những chip tiên tiến nhất. Chính phủ Anh chọn hướng đi khác, tập trung vào những phần có thế mạnh của ngành công nghiệp bán dẫn như quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế và sản xuất chip phi silicon.

Vương quốc Anh dự kiến ra mắt chiến lược bán dẫn quốc gia vào năm 2022. Nhưng đất nước phải đối mặt với một loạt những sự cố chậm trễ do bất ổn chính trị. Các tập đoàn bán dẫn nước Anh bày tỏ sự thất vọng sâu sắc do thiếu một chiến lược cụ thể từ chính phủ về phát triển linh kiện bán dẫn.

Khi Mỹ và EU cam kết hỗ trợ hàng tỉ USD cho lĩnh vực chip tương ứng của họ, chiến lược của Vương quốc Anh có nguy bị chậm trễ và thất bại trong bối cảnh nhiều thay đổi nội các sau khi các cựu thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss từ chức.

Pragmatic Semiconductor, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Cambridge, Anh, chuyên sản xuất chip không silicon cảnh báo vào đầu năm 2022, doanh nghiệp có thể buộc phải chuyển ra nước ngoài nếu chính phủ Anh không sớm ban hành kế hoạch cho ngành. IQE, một công ty vi mạch trong “cụm” bán dẫn ở Newport, xứ Wales cũng cảnh báo có thể buộc phải di dời sang Mỹ hoặc EU nếu chính phủ Anh không sớm hành động.

Scott White, người sáng lập công ty chip Pragmatic Semiconductor cho biết, khoản cam kết trị giá 1 tỉ bảng Anh của chính phủ, dù rất nhỏ so với các khoản tài chính hỗ trợ của Mỹ và EU “thực sự có thể là một con số phù hợp” mà ngành công nghiệp nội địa Anh đang cần. Nhưng ông cũng cảnh báo, khoản tài trợ này phải được “sử dụng theo đúng hướng”.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, White nói: “Tương tự, nếu khoản ngân sách chỉ gói gọn cho những cơ sở sản xuất và sản phẩm đã tồn tại, thì gói hỗ trợ sẽ không hữu ích cho sự phát triển ngành chíp.”

Hỗ trợ cho các lĩnh vực có thế mạnh

Trong lĩnh vực công nghệ này, Anh là một quốc gia không có vị thế cao trên thị trường chip toàn cầu, tập trung chuyên về thiết kế, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu và chế tạo những linh kiện bán dẫn hỗn hợp tiên tiến.

Đây là quê hương của một doanh nghiệp mà sản phẩm bán dẫn có nhu cầu rất cao trên thế giới, công ty thiết kế chip Arm trụ sở tại Cambridge. Những chip của các nhà sản xuất quốc tế, cấp phép từ Arm được sử dụng trong khoảng 95% điện thoại thông minh trên thế giới. Vương quốc Anh cũng rất nổi tiếng với công nghệ sản xuất các tấm bán dẫn mỏng như dao cạo làm từ graphene.

Linh kiện bán dẫn và chuỗi cung ứng, chủ yếu được sản xuất ở Đông Á hiện trở thành một vấn đề đau đầu đối với các chính phủ trên thế giới, khi diễn ra tình trạng thiếu hụt toàn cầu, gây gián đoạn nguồn cung đối với các nhà sản xuất ô tô và điện tử lớn trên toàn thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, nguồn cung cấp các linh kiện bán dẫn phụ thuộc quá mức vào các nhà sản xuất ở nước ngoài. Sự phụ thuộc này đe dọa toàn bộ ngành điện tử dân dụng khi căng thẳng địa chính trị leo thang.

Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn theo hợp đồng TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay là nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới. Năng lực sản xuất chip của doanh nghiệp đang là sự mong muốn của nhiều cường quốc công nghệ phương Tây. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung buộc các quốc gia tiên tiến phải thực hiện hàng loạt biện pháp khẩn cấp để hình thành, phát triển và đẩy mạnh ngành sản xuất chip nội địa.

Tại Mỹ, tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Khoa học và CHIPS, một kế hoạch phục hồi và phát triển chip với tổng trị giá 280 tỉ USD, bao gồm 52 tỉ USD tài trợ, thúc đẩy sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.

EU cũng phê duyệt 43 tỉ euro (45,9 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn châu Âu, đặt mục tiêu sản xuất 20% linh kiện bán dẫn thế giới vào năm 2030.

Các nhà lập pháp Anh tuyên bố, sự chậm trễ một chiến lược phát triển sản xuất bán dẫn từ chính phủ đang gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của quốc gia này. Ngày 3/2, các nhà lập pháp trong ủy ban Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp (BEIS) kêu gọi chính phủ lập tức phải hành động đối với ngành công nghiệp bán dẫn, xác định việc thiếu một chiến lược vi mạch cụ thể với tầm nhìn xa là “hành động gây hại cho quốc gia”.

Theo CNBC

Thái Bằng (Theo viettimes.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem