Lợi ích rau dừa nước, không phải ai cũng biết
Rau dừa nước còn có nhiều tên gọi khác nhau, tùy từng khu vực như: như du long thái, thủy long, rau dừa trâu, rau mương bò... Người dân miền Đông, Nam Trung bộ còn gọi chúng với cái tên là sen úng thủy hay sen cạn bởi loại rau này có thể mọc ở ruộng cạn nước và ruộng ngập nước. Loại rau này thuộc họ rau dừa nước (onagraceae).
Loại cây này thuộc thân thảo, từ thân đâm nhiều nhánh nhỏ. Thông thường loại rau dừa nước mọc nổi trên mặt nước giống cây rau rút, bén rễ ở các mấu và có phao nổi. Lá dừa nước hình trứng dài, mọc so le, gốc thân đầu tù, hai mặt nhẵn. Thân cây dừa nước hình trụ, mềm yếu, có nhiều đốt, mỗi mấu đốt lại có nhiều rễ con. Mỗi đoạn thân nhỏ lại có các phao trắng mềm và xốp bao quanh. Tuy nhiên điểm độc đáo là nếu mọc ở cạn, các phao này sẽ tiêu biến. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng. Quả nang, bên ngoài có lông mịn, không ngứa, bên trong chứa nhiều hạt.
Ở khắp miền quê rau dừa nước mọc dại. Trước đây loại rau này trước chỉ để cho lợn ăn hoặc bị nhổ vứt đi, nay là đặc sản, được bán với giá khá đắt đỏ. Trên chợ mạng, các cửa hàng rau sạch và các sàn thương mại điện tử, rau dừa nước được bán cả tươi lẫn khô. Rau dừa nước tươi có giá từ 25.000-29.000 đồng/kg. Còn rau dừa nước khô đang được rao bán với giá từ 80.000-190.000 đồng/kg. Lúc khan hiếm, khách hàng còn phải đặt trước mới mua được thứ rau mọc dại này.
Tuy là rau dại nhưng cây dừa nước lại chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở một số địa phương rau dừa nước được luộc ăn như các loại rau khác hoặc làm rau sống, hoặc chế biến trong các món gỏi, nhúng lẩu, đem xào hoặc là được kết hợp trong các món bún riêu, bún mắm... đều rất ngon và giàu giá trị dinh dưỡng. Nhưng ngon và “chuẩn bài” nhất phải kể đến món rau dừa chấm mắm cá kho.
Người nào mới ăn rau dừa nước lần đầu có thể sẽ thấy vị nồng, hơi ngứa cổ. Nhưng khi đã quen, người ta sẽ không thể nào quên được vị thanh mát của nó.
Không chỉ là món ăn ngon theo y học cổ truyền, rau dừa nước vị ngọt nhạt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Rau dừa nước có thể được dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, mụn nhọt, rối loạn tiêu hóa..., theo Vietnamnet.
Một số món ngon từ rau dừa nước
- Canh rau dừa nước: Rau dừa nước khô 150 g – 200 g, nấu canh ăn liên tục 5 -10 ngày. Đây là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, tiêu thũng, kháng viêm, thích dụng cho các trường hợp viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu (tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu); tiểu đục như nước vo gạo kèm theo máu; viêm thận, viêm cầu thận cấp…
- Canh hến rau dừa nước: Rau dừa nước 50 g -100 g, hến 1 kg, nấu canh ăn hằng ngày, liên tục trong 7-10 ngày. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, thanh can, sáng mắt, lợi niệu, tiêu độc, thích dụng cho những người tăng huyết áp, viêm thận, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, cải thiện các triệu chứng mãn kinh.
Bài thuốc dân gian từ rau dừa nước
Rau dừa nước 100 g -150 g, rau diếp cá 50 g, tất cả đem nấu canh hoặc sắc lấy nước uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, bù tân dịch… thích dụng cho những người ho, ho sốt kéo dài, cảm mạo, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sởi, tiểu buốt, tiểu gắt.
- Điều hòa chức năng thận
Rau dừa nước tươi 30 g, mía tươi chẻ nhỏ, lá dâu 10 g, sắc uống chia 2 lần trong ngày, dùng liên tục trong 5-7 ngày. Đây là bài thuốc thanh nhiệt giải độc, bù tân dịch, điều hòa chức năng thận.
- Chữa chấn thương phần mềm
Thông tin trên Người Lao Động để làm bài thuốc gian gian này bạn cần chuẩn bị rau dừa nước 20 g - 30 g, giấm 10 ml. Rau dừa nước đem giã nhỏ, chế giấm đắp lên chỗ đau. Bài thuốc này cho tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, hoạt huyết kháng viêm, sinh cơ, thích dụng cho các trường hợp chấn thương phần mềm, ứ máu sưng tấy hoặc mụn nhọt đơn độc, sưng lở… Để nâng cao hiệu quả điều trị, có thể dùng rau dừa nước và lớp trắng bên trong vỏ cây gạo (mỗi vị 20 g - 30 g) sắc uống.