Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển

Phan Quốc Lương Thứ tư, ngày 08/03/2023 15:10 PM (GMT+7)
Nếu như tổng dư nợ cho vay khi mới thành lập (năm 1988) của Agribank tỉnh Đắk Lắk là 18 tỷ đồng, thì đến thời điểm 31/12/2022 là 16.945 tỷ đồng, lớn gấp 941 lần. Đặc biệt, gần 90% tổng dư nợ dành cho khu vực nông nghiệp, cho thấy sự kiên định với mục tiêu, sứ mệnh phục vụ "Tam nông" của Agribank Đắk Lắk.
Bình luận 0

Vài nét về sự hình thành

Thực hiện  đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng năm 1986 và xác định đổi mới hệ thống ngân hàng là khâu then chốt, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Agribank ngày nay đã được ra đời ngày 26-3-1988 theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Cùng với toàn hệ thống, năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Đắk Lắk vừa tròn 35 năm thành lập (26/3/1988- 26/3/2018).

Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển  - Ảnh 1.

Agribank Đắk Lắk ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt

Đến nay Agribank Đắk Lắk đã trải qua 3 lần đổi tên. Giai đoạn từ 1988-1990 với tên gọi Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam, chi nhánh tỉnh Đắk Lắk; Giai đoạn từ 1990-1996 là Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, chi nhánh tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 1996 đến nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk).

Khi mới thành lập, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Lắk (trước khi thành lập Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, hệ thống ngân hàng chỉ có một cấp là Ngân hàng Nhà nước vừa quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng huy động và cho vay). Thời điểm đó, nguồn vốn huy động của Agribank tỉnh Đắk Lắk chỉ có 10 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Dư nợ cho vay chỉ có 18 tỷ đồng, thực chất là đã đóng băng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh (gồm các nông trường, trạm trại và vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp) hoạt động cầm chừng trong giai đoạn chuyển giao từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển  - Ảnh 3.

Cán bộ tín dụng Agribank tỉnh Đắk Lắk thăm trại chăn nuôi gà của hộ vay vốn

Cơ sở vật chất thì nghèo nàn, chủ yếu là trụ sở của các cơ quan nhà nước cấp huyện chuyển sang thành trụ sở của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp (lúc này toàn tỉnh có 15 chi nhánh, bao gồm cả các chi nhánh thuộc tỉnh Đắk Nông hiện nay). 

Đội ngũ nhân viên mặc dù đông đến hàng ngàn người, song trình độ chuyên môn yếu, lại chưa thích nghi với cơ chế tự hạch toán kinh doanh nên hoạt động thời kỳ đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Từ sứ mệnh và tầm nhìn…

Ngay từ khi mới thành lập (26/03/1988), Agribank Đắk Lắk đã xác định cho vay trực tiếp hộ nông dân là đối tượng khách hàng chủ yếu. Xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ chính trị của Agribank Đắk Lắk đối với chính sách “Tam nông” của Đảng.

Đây là lĩnh vực mà Agribank Đắk Lắk có nhiều ưu thế vượt trội. Đó là nguồn lực tài chính, mạng lưới, nguồn nhân lực và kinh nghiệm tích lũy được sau gần 10 năm thực hiện theo Chỉ thị số 202/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), về cho vay kinh tế hộ gia đình. Cùng đó là 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; 5 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP và gần 8 năm thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng  phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”... 

Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển  - Ảnh 4.

Nhiều tập thể, cá nhân tại Agribank Đắk Lắk được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn

Nhờ vậy vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn của Agribank Đắk Lắk đã được khẳng định, với nhiệm vụ chính trị là đầu tư cho lĩnh vực “Tam nông”. Đây chính là lĩnh vực có nhiều đóng góp tích cực đối với thành tựu đổi mới kinh tế của tỉnh, đồng thời là lĩnh vực nằm trong đối tượng ưu tiên phát triển của Đảng và Nhà nước như cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Qua đó Agribank tỉnh Đắk Lắk đã chung sức cùng các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh.

Hiện Agribank Đắk Lắk là Ngân hàng thương mại có số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp cùng hệ thống tổ vay vốn lớn nhất trong số hơn 30 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn, với gần 200 ngàn khách hàng giao dịch tiền gửi, tiền vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

 Đến những con số ấn tượng

Nhờ xác định đúng mục tiêu định hướng, hoạt động tín dụng đối với hộ nông dân của Agribank Đắk Lắk 35 năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Từ chỗ chỉ có vài trăm hộ nông dân được vay tín dụng của Ngân hàng nông nghiệp, thì những năm sau đó đã có sự tăng trưởng liên tục mạnh mẽ cả về dư nợ, số hộ được vay và chất lượng tín dụng. Nếu như tổng dư nợ khi mới thành lập (năm 1988) là 18 tỷ đồng, thì đến thời điểm 31/12/2022 là 16.945 tỷ đồng, lớn gấp 941 lần năm 1988. Trong đó gần 90% tổng dư nợ của Agribank Đắk Lắk dành cho khu vực nông nghiệp. Đồng thời Agribank Đắk Lắk cũng đa dạng hóa đối tượng cho vay, tạo điều kiện cho hộ nông dân thỏa mãn các nhu cầu về vốn.

Ngoài sản xuất kinh doanh, hộ nông dân còn được Agribank Đắk Lắk cho vay khi có nhu cầu vốn để đầu tư vào các lĩnh vực phi nông nghiệp như: Xuất khẩu lao động; Mua xe ô tô, xe máy để phục vụ sản xuất đời sống; xây dựng, sửa chữa nhà; Khắc phục khó khăn trong sản xuất, đời sống như thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… Kết quả là hoạt động cung ứng tín dụng của Agribank Đắk Lắk đã giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh từng bước xóa đói giảm nghèo, đi lên làm giàu từ đồng vốn vay Ngân hàng.

Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển  - Ảnh 5.

Cán bộ tín dụng Agribank tỉnh Đắk Lắk thăm vườn cây của hộ vay vốn

Kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng không ngừng được đổi mới với sự kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống với kênh phân phối hiện đại như: Ngân hàng tự động, ngân hàng điện tử, ngân hàng trực tuyến, ngân hàng tại nhà, đó là kênh chuyển tải tốt nhất để đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến khách hàng.

Trải qua 35 năm hoạt động, tín dụng đối với hộ nông dân thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện, mạnh mẽ và đang ngày càng trở thành ngành nông nghiệp hàng hoá, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà doanh số xuất khẩu của nhiều ngành hàng có xuất xứ từ nông nghiệp, nông thôn ngày càng lớn.

Ghi nhận những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank Đắk Lắk đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đó là Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2007. Năm 2020 được Thống đốc Ngân hàng nhà nước tặng cờ  đơn vị thi đua xuất sắc nhất, năm 2021 được Tổng Giám đốc tặng Giấy khen đơn vị đạt giải Nhất khối thi đua Khu vực Tây Nguyên, năm 2022 được Chủ tịch HĐTV tặng Giấy khen đơn vị đạt giải Ba thi đua xuất sắc toàn hệ thống và nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, của ngành và địa phương.  

Kiên định mục tiêu phục vụ “Tam nông”

Khi được hỏi định hướng lớn của Agribank Đắk Lắk trong năm 2023 và những năm tiếp theo là gì, Giám đốc Agribank Đắk Lắk, ông Vương Hồng Lĩnh, cho biết: Năm 2023 và những năm tiếp theo Agribank Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền thống, sở trường đó là “Tam nông” và các lĩnh vực ưu tiên của Đảng, Chính phủ. Agribank Đắk Lắk tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của một Ngân hàng thương mại nhà nước trong cung ứng nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho nền kinh tế nói chung, trong đặc biệt chú trọng thị thường nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Cũng theo ông Vương Hồng Lĩnh, Agribank Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, chung sức cùng các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị thực hiện chương trình quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ "Nông nghiệp sạch", cho vay theo hình thức “Ngân hàng lưu động” phục vụ nông dân khu vực khó khăn, cho vay qua tổ nhóm theo thỏa thuận với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư vốn tín dụng cho tam nông, đảm bảo dư nợ cho vay lĩnh vực này thường xuyên đạt xấp xỉ 90% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, góp phần đưa Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuộc sống.

Agribank Đắk Lắk: Tổng dư nợ cho vay tăng gần 1.000 lần sau 35 năm hình thành, phát triển  - Ảnh 6.

Cùng với hoạt động kinh doanh có hiệu quả, Agribank tỉnh Đắk Lắk còn là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh

Kết thúc năm 2022, Agribank Đắk Lắk cơ bản đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, phương án đã đề ra cho giai đoạn 2020 - 2025. Hành trang đi vào năm 2023 là những kết quả đạt được có tính quyết định trong những năm vừa qua, đó là:

Cũng như các định chế tài chính khác, Agribank Đắk Lắk hoạt động trên nguyên tắc “đi vay để cho vay” vì vậy nguồn vốn huy động là nguồn lực chủ yếu, quan trọng quyết định quy mô đầu tư. Với hơn 9.500 tỷ đồng huy động tại địa phương kết hợp với các nguồn vốn khác sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của nến kinh tế: Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch,…

Sau khi hoàn thành mục tiêu, phương án đã đề ra cho giai đoạn 2015 – 2020, chất lượng tín dụng tại Agribank Đắk Lắk được kiểm soát tốt hơn và đi vào thực chất hơn, đây là yếu tố quan trọng, cần thiết để thu hồi vốn và tái đầu tư cho nền kinh tế.

Nguồn lực tài chính được củng cố và phát triển, tỷ suất lợi nhuận trên vốn ngày càng tăng do tiết kiệm chí phí và cải thiện chất lượng tín dụng. Đây là vấn đề then chốt của bất kỳ doanh nghiệp nào, không riêng gì hoạt động ngân hàng. Với Agribank Đắk Lắk, có nguồn lực tài chính đủ mạnh mới có thể làm tròn nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, vừa thực hiện cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem