60.000 tấn mật ong đang lo bí đầu ra vì một thói quen của người Việt

Trần Đáng Thứ năm, ngày 17/02/2022 15:06 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đến 412,49%. Thị trường trong nước được dự báo sẽ khủng hoảng thừa mật ong.
Bình luận 0

Hiện, giá mật ong trên thị trường còn 22.000 đồng/kg. Mọi năm, thời điểm này giá hơn 30.000 đồng/kg.

“Chất lỏng ngọt ngào” dính “đòn phòng vệ” của Mỹ, nước 100 triệu dân nan giải với 60.000 tấn mật ong - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Đào, chủ cơ sở Mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh, Đồng Nai), thu hoạch mật ong. Ảnh: Trần Đáng.

Bán mật ong nhờ mối mai

Bà Nguyễn Thị Đào, chủ cơ sở Mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh, Đồng Nai) có thâm niên 30 năm theo nghề nuôi ong lấy mật, cho biết với mức thuế chống phá giá này việc xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vào cao điểm, bà Đào nuôi 300-400 thùng ong. Hiện, bà chỉ còn nuôi khoảng 150 thùng ong với sản lượng khoảng 5 tấn mật/năm.

Hiện, thương hiệu mật ong chôm chôm Minh Đào của bà Đào được nhiều khách hàng trên thị trường biết đến. Giá mật được cơ sở bán ra 70.000-75.000 đồng/kg.

Trước việc mật ong Việt Nam mất thị trường Mỹ, bà Đào cho rằng, các công ty xuất khẩu sẽ đưa hàng tồn ra thị trường với giá thấp.

Tuy nhiên, bà Đào không cảm thấy lo lắng nhiều. Bởi lâu nay cơ sở chỉ bán lẻ mật ong, mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường nội địa khoảng 5 tấn.

"Dự báo, giá mật sẽ giảm trên thị trường nội địa. Nếu vậy, tôi cũng sẽ giảm giá theo", bà Đào chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Đào tự tin với việc sản phẩm đã có uy tín trên thị trường lâu nay, nên không sợ mất khách hàng.

Đồng quan điểm này, anh Bùi Minh Quang (Thạnh Hóa, Long An), chủ cơ sở mật ong Quang Vinh cũng tự tin cho rằng, không có gì đáng lo khi tiêu thụ mật ong trên thị trường nội địa sắp tới.

Theo anh Quang, lâu nay mật ong bán trong nước bằng chữ tín.

“Chất lỏng ngọt ngào” dính “đòn phòng vệ” của Mỹ, nước 100 triệu dân nan giải với 60.000 tấn mật ong - Ảnh 2.

Nông dân ở Đồng Tháp Mười thu hoạch mật ong. Ảnh: Trần Đáng

Ngoài ra, dòng mật ong xuất khẩu khác dòng mật bán trong nước. Mật ong xuất khẩu chủ yếu là dòng mật hoa cây cao su. Trong khi đó, cơ sở đang làm dòng mật hoa tràm, nhãn.

"Quan trọng là cơ sở đã xây dựng được thương hiệu, uy tín với khách hàng nên không sợ ế ẩm trong thời gian tới", anh Quang quả quyết.

Hiện, anh Quang nuôi ong mật với khoảng 1.000 thùng. Cứ mỗi tháng, anh Quang thu 2 tấn mật.

Mật ong của anh Quang đã được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Long An.

Báo động dư thừa mật ong trong nước

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu đàn ong, với khoảng 35.000 nông hộ nuôi ong.

Dù chỉ là một ngành kinh tế nhỏ nhưng tác động của vụ việc đến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam khá lớn, nhất là đối với lực lượng nuôi ong.

Ông Đặng Bá Long, CEO Công ty CP Ong mật TP.HCM, một công ty có 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ cho biết, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 60.000 tấn mật ong.

Hơn 90% mật ong Việt Nam được xuất sang Mỹ.

“Chất lỏng ngọt ngào” dính “đòn phòng vệ” của Mỹ, nước 100 triệu dân nan giải với 60.000 tấn mật ong - Ảnh 4.

Dự báo giá mật ong sẽ xuống thấp trong thời gian tới khiến 35.000 nông hộ nuôi ong ở trong nước sẽ khốn đốn. Ảnh: Trần Đáng.

"Việc mật ong Việt Nam không được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tạo ra một lượng dư thừa khủng khiếp trong nước", ông Long cảnh báo.

Theo đó, khoảng 2 tháng nữa, khi nông dân vào chính vụ thu hoạch mật ong, lượng mật dư thừa trong nước sẽ xảy ra.

Về việc các nhà xuất khẩu mật ong sẽ tung hàng tồn kho do không xuất khẩu được ra thị trường nội địa với giá rẻ, gây hỗn loạn giá mật trong nước, ông Long cho rằng, hiện các nhà xuất khẩu không còn hàng nữa.

"Các nhà xuất khẩu không thể dự trữ mật ong vì mật không dễ trữ. Nếu trữ lâu mật sẽ hư, xuống màu", ông Long thổ lộ.

Cũng theo ông Long, việc bán mật ong tồn kho ở thị trường nội địa cũng không đơn giản. Muốn bán, công ty phải tinh chế, vô chai, đóng mẫu mã… và nhất là niềm tin của khách hàng.

Ông Long đặt vấn đề, vì sao một đất nước với 100 triệu dân lại không thể tiêu thụ 60.000 tấn mật ong?

Nguyên nhân, theo ông Long là người dân Việt Nam không xem mật ong là thực phẩm mà là thuốc.

"Chỉ khi nào đau bệnh, mệt mỏi thì bà con mới uống mật ong. Vì bán không được trong nước nên mới xuất khẩu mật", ông Long bộc bạch.

Để giải bài toán khó khăn cho nông dân nuôi ong, ông Long cho rằng, trước mắt Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nông dân.

“Chất lỏng ngọt ngào” dính “đòn phòng vệ” của Mỹ, nước 100 triệu dân nan giải với 60.000 tấn mật ong - Ảnh 5.

Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng mật ong sẽ dư thừa trong nước. Ảnh: Trần Đáng.

Về lâu dài, cần có những cuộc vận động người Việt Nam xem mật ong là thực phẩm.

Theo đó, các hiệp hội thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe… tăng cường sử dụng mật ong trong các sản phẩm. Đây là cách đẩy mạnh tiêu thụ mật ong và gián tiếp khuyến khích người dân sử dụng mật trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem