20 sản phẩm được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận OCOP 5 sao có điểm khác biệt gì?

M.Ngọc Thứ tư, ngày 26/05/2021 16:07 PM (GMT+7)
Hội đồng OCOP Quốc gia đã đánh giá 20 sản phẩm đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt OCOP 5 sao. Các sản phẩm này đến từ 11 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Sơn La, Kon Tum, Bắc Kạn, An Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng.
Bình luận 0

Sáng nay (26/5), tại Hà Nội, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia tổ chức họp đánh giá lần cuối cùng trước khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp Quốc gia chủ trì cuộc họp.

Trước đó, trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của 3 Tổ tư vấn, Hội đồng đánh giá chuyên ngành đã tổ chức họp, đánh giá, phân hạng 43 hồ sơ đề xuất của 12 tỉnh, thành phố đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao.

Chấm điểm OCOP - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm được đề nghị công nhận đạt OCOP 5 sao.

Cụ thể, Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 1 đánh giá 24 sản phẩm của 9 tỉnh, thành phố; Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 2 đánh giá 10 sản phẩm của 2 tỉnh, thành phố và Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 3 đánh giá 9 sản phẩm của 6 tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở kết quả, đánh giá, chấm điểm của 3 Hội đồng, đã có 20 sản phẩm của 6 tỉnh, thành phố đạt 90 điểm trở lên (đủ điều kiện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao).

Chấm điểm OCOP - Ảnh 2.

Trà xanh (hộp bà cụ 100 gram) - sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá sản phẩm đạt 95 điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, các sản phẩm đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt OCOP 5 sao đều đảm bảo tính đặc sắc bản địa. Chủ thể gắn bó với cộng đồng địa phương, có đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường quốc tế.

"Nếu được công nhận đạt sản phẩm 5 sao sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đặc sản địa phương, thu hút thêm đầu tư của các chủ thể khác tại địa phương. Mặt khác, sản phẩm sẽ có cơ hội để đưa vào hệ thống siêu thị, quảng bá đến người dân cả nước, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP quốc gia" - ông Nam nhấn mạnh.

Chấm điểm OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm gạo thơm đặc sản Thiên Vương của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Trong 20 sản phẩm đạt từ 90 điểm trở lên, nổi bật nhất là đã đảm bảo được nhãn mác, quy định, vùng nguyên liệu và nguồn lao động. Đặc biệt, mỗi sản phẩm lại mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương.

Điểm khác biệt trong số các sản phẩm tiềm năng 5 sao thì có tới 37% chủ thể là phụ nữ. 

Đây là điểm nổi bật mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng sẽ là cơ sở để khơi dậy tiềm năng của mỗi địa phương, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển chương trình OCOP. 

20 sản phẩm được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 4.

Các sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hà Nội.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với Bộ NNPTNT, trong đó, Thủ tướng rất quan tâm đến Chương trình OCOP. 

Hiện, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhanh chóng hoàn chỉnh Đề án Chương trình OCOP Quốc gia, giai đoạn 2021-2025. 

"Tại kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ thông qua chủ trương về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Sau đó, Bộ NNPTNT sẽ trình Thủ tướng Đề án Chương trình OCOP Quốc gia, giai đoạn 2021-2025" - ông Nam thông tin.

20 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt OCOP 5 sao, gồm:

1. Trà xanh (hộp bà cụ 100 gram) của HTX chế biến chè Phìn Hồ, Hà Giang

2. Hồng trà (hộp bà cụ 100 gram) của HTX chế biến chè Phìn Hồ, Hà Giang

3. Chè tôm nõn Hảo Đạt, của HTX chè Hảo Đạt, tỉnh Thái Nguyên

4. Mắm tôm Lê Gia, của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, Thanh Hóa

5. Cà phê bột nguyên chất Bích Thao, của HTX cà phê Bích Thao, Sơn La

6. Cà phê rang xay DAKMARK, của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng, Kon Tum

7. Miến dong Tài Hoan, của HTX miến dong Tài Hoan, Bắc Kạn

8. Miến dong Việt Cường, của HTX miến dong Việt Cường, Thái Nguyên

9. Gạo thơm đặc sản Thiên Vương, của Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn, An Giang

10. Gạo ngon tiến vua Tiên Nữ, của Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn, An Giang

11. Gạo thơm ST24, của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Sóc Trăng

12. Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hà Nội

13. Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hà Nội

14. Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hà Nội

15. Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hà Nội

16. Bộ ngọc trai SouthSea - ngọc trai Hạ Long, của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, Quảng Ninh

17. Bộ ngọc trai Akoya - ngọc trai Hạ Long, của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, Quảng Ninh

18. Bộ ngọc trai Tahiti - ngọc trai Hạ Long, của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, Quảng Ninh

19. Ladoatiso trà Nhất Diệp Nguyên Hương, của Công ty CP dược Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng

20. Ladoatiso Cao ống, của Công ty CP dược Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem