2 chuyện trái ngược ở Hà Nam: Làng cá kho ngon nhất Việt Nam ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng"

Hải Đăng Thứ ba, ngày 12/01/2021 19:01 PM (GMT+7)
So với mọi năm, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đại gia ở làng cá kho Vũ Đại (hay còn gọi là cá kho Bá Kiến) ở Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) mất 60% đơn hàng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong khi người trồng chuối tiến vua ở đây lại đang lo "cháy hàng" Tết vì mất mùa.
Bình luận 0
Ảnh hưởng Covid-19 đại gia cá kho Bá Kiến ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng" - Ảnh 1.

Ông Trần Bá Luận kiểm tra chất lượng sản phẩm cá kho tiến vua trước khi cung cấp cho khách hàng.

"Đại gia" cá kho Vũ Đại thiệt hại tiền tỷ vì ế ẩm

Về làng Vũ Đại vào những ngày này, chúng tôi thấy không khí vắng lặng lạ thường so với mọi năm. Các cơ sở làm nghề cá kho tiến vua cũng vắng khách, nhiều nhà phải đóng cửa chờ "thượng đế" gọi đặt hàng mới làm cá kho bán.

Vào thăm "đại gia" nổi tiếng làng cá kho Bá Kiến Trần Luận, nghe ông kể chuyện làm nghề chúng tôi không khỏi xót xa cho thương hiệu đặc sản cá kho trứ danh này. "So với mọi năm, thời điểm này ngày nào gia đình tôi cũng có hàng chục người làm cá kho để phục vụ khách hàng cả nước, nhưng năm nay chán quá, đơn hàng nhỏ giọt, thê thảm lắm!", chủ cơ sở cá kho Trần Luận than thở.

Ông Luận chia sẻ, tính ra cả năm nay gia đình tôi mất hơn 60% đơn hàng, thiệt hại hàng tỷ đồng, chưa kể việc kinh doanh dịch vụ "ăn theo" như dịch vụ ăn uống, du lịch trải nghiệm... cũng ế ẩm, thua lỗ nặng nề.

Là người có kinh nghiệm làm nghề cá kho lâu năm ở Hòa Hậu, cùng với công việc sản xuất cá kho đặc sản cung cấp cho hàng nghìn khách hàng trong cả nước và ngoài nước, các năm trước mỗi năm gia đình ông còn đón cả nghìn khách Việt, quốc tế đến tham quan, hưởng dịch vụ làng nghề truyền thống tại gia. 

Tuy nhiên, năm nay cả năm gia đình ông mới đón vài đoàn khách nhỏ lẻ đến ăn uống trong ngày.

Ảnh hưởng Covid-19 đại gia cá kho Bá Kiến ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng" - Ảnh 2.

Không chỉ cá kho tiến vua ế ẩm, các dịch vụ "ăn theo" làng nghề của gia đình ông Luận cũng vắng khách, cả ngôi nhà tầng khang trang của gia đình ông cũng trống khách từ đầu năm 2020 đến nay.

"Năm 2019, có ngày chúng tôi đón vài trăm khách học sinh, sinh viên, khách du lịch đến ăn uống, trải nghiệm làm nghề cá kho vui lắm. Nhưng bước sang năm nay, xảy ra đại dịch nên kinh tế bị ảnh hưởng, mọi hoạt động bị đảo lộn, người dân làm nghề truyền thống buồn thảm quá", ông Luận nói.

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Luận vừa "ra lò" mẻ cá kho chưa đến 20 niêu cho khách mới đặt. Vửa nhấc vung kiểm tra các niêu cá kho còn nóng nức hương thơm, anh Luận vừa lắc đầu: "Cá kho ngon nhất Việt Nam mà ế ẩm quá, giờ chỉ mong sao đại dịch qua đi làng nghề mới hồi sinh được".

Ông Luận kể, riêng năm 2019, cơ sở của ông nhận đơn hàng với gần 10.000 niêu cá đủ loại với giá từ 400.000 đồng/niêu; 600.000 đồng/niêu; 1.200.000 đồng/niêu... Nhất là vào dịp tháng 12 âm lịch, đơn hàng về liên tục, lên đến hơn 5.000 niêu nhưng sang cả năm nay gia đình ông chưa bán được 3.000 niêu. 

Để tìm hiểu thông tin về cá kho đặc sản, ngày cuối tháng 12/2020, PV Dân Việt tìm đến cơ sở cá kho Phong Thực, chủ cơ sở là ông Trần Văn Thực - Chủ tịch Hiệp hội cá kho Nhân Hậu (xã Hòa Hậu) đang đi ăn cỗ ở làng bên. Tâm sự thật với chúng tôi, ông Thực bảo: "Năm nay có đại dịch, đơn hàng giảm nhiều. Riêng, gia đình tôi phải có đơn hàng mới dám kho cá bán".

Dù các đơn hàng đặc sản giảm nhiều trong năm nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội cá kho Nhân Hậu, thông thường phải vào tháng 12 âm lịch mới chính "vụ" cá kho nên bà con làm nghề yên tâm và chia sẻ với thị trường, khách hàng.

Ảnh hưởng Covid-19 đại gia cá kho Bá Kiến ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng" - Ảnh 4.

Ông Trần Duy Thế (hơn 70 tuổi) ở làng Nhân Hậu đang thu dọn, rửa các niêu đất chờ khách đặt hàng mới dám kho cá bán.

Nói thêm về đặc sản quê hương mình, ông Thực khẳng định: Sở dĩ cá kho làng Vũ Đại được người dân ưa chuộng vào mỗi dịp Tết là vì sử dụng niêu đất để kho và chỉ dùng cá trắm đen có trọng lượng từ 3kg trở lên, thịt săn chắc và thớ cá đẹp. Cá được kho bằng củi trong thời gian 12-15 tiếng đồng hồ.

Không chỉ chú trọng vào chất lượng, các cơ sở kho cá tại địa phương cũng khá nhanh nhạy trong việc đăng ký thương hiệu cũng như nắm bắt được ưu thế vượt trội của công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên mạng. Nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư mở website giới thiệu quảng bá sản phẩm cá kho Đại Hoàng, Nhân Hậu, bên cạnh đó còn giới thiệu cả trên facebook cá nhân. Nhờ đó mà lượng khách hàng biết đến món cá kho nơi đây ngày một nhanh hơn, nhiều hơn.

Chuối tiến vua mất mùa, lo "cháy hàng" dịp tết 

Bên cạnh làng nghề làm cá kho, xã Hòa Hậu còn nổi tiếng với đặc sản chuối ngự (hay còn gọi là chuối tiến vua). Tuy nhiên năm nay, bà con chăm cây đặc sản này cũng không mấy vui vì chuối tiến vua bị mất mùa.

Ảnh hưởng Covid-19 đại gia cá kho Bá Kiến ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng" - Ảnh 5.

Ông Năm chăm sóc chuối ngự tại vườn của gia đình ở Hòa Hậu.

Hơn 20 năm theo nghề nhưng chưa năm nào ông Trần Khắc Năm, người có vườn chuối ngự lớn nhất ở Hòa Hậu thấy công việc chăm sóc cây đặc sản vất vả như năm nay. Đầu xuân năm mới 2020 gặp bão lớn cả vườn chuối tiến vua của ông gần như mất trắng, các cây chuối to cao, xanh tốt đổ gẫy chết như ngả rạ.

Mất của, đau xót nhưng vợ chồng ông Năm vẫn động viên nhau gượng dậy khôi phục vườn cây đặc sản của quê hương, đồng thời có sản phẩm phục vụ khách hàng. Vừa trồng mới, gia đình ông vừa cố gắng chăm sóc nhưng đến giờ vườn chuối mới hồi sinh được hơn nửa, số cây có buồng, sản phẩm bán Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khá ít.

"Vụ Tết năm nay gia đình tôi chỉ có khoảng 300-400 nải chuối ngự cung cấp cho khách hàng (giảm hơn 60% so với năm 2020) nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng bán vừa giá để giữ khách", ông Năm khẳng định.

Theo ông Năm, dự kiến giá bán mỗi nải chuối tiến vua khoảng từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Dự báo đến giáp Tết Nguyên đán, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng của gia đình tôi sẽ "cháy hàng".

Ông Phạm Văn Nga, một thương lái chuyên thu mua sản phẩm chuối tiến vua lớn nhất, nhỉ ở Hà Nam cho biết, chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự trắng quả to, khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, sáng bóng, quả hơi tròn lẳn, thịt quả vàng thơm nhẹp. 

Ảnh hưởng Covid-19 đại gia cá kho Bá Kiến ế ẩm, người trồng chuối tiến vua lo "cháy hàng" - Ảnh 6.

Chuối ngự Đại Hoàng nổi tiếng không chỉ do hương vị thơm ngon đặc trưng mà chuối còn được giấm theo phương pháp truyền thống nên rất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên được khách hàng cả nước rất ưa chuộng đặt hàng nhiều vào dịp Tết.

Chuối ngự trâu quả to, vỏ quả khi chín có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng nhạt, không có hương thơm. Chuối ngự mít quả nhỏ, thon, khi chín vỏ quả mỏng và có màu vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng, hương thơm ngát nên được khách hàng, nhất là các khách có điều kiện, các đại gia rất thích mua làm quà biếu Tết.

"So với mọi năm, năm nay sản phẩm chuối ngự cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khá ít, nếu khách hàng đặt chuối muộn cũng khó có hàng ăn, biếu Tết", ông Năm nói.

Trước năm 2000, giống chuối ngự có nguy cơ mất nguồn gen do không được đầu tư, chăm sóc đúng kĩ thuật và do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gió bão. Vì vậy, diện tích bị giảm mạnh.

Song, từ năm 2001 đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất cho người dân địa phương, nên diện tích trồng chuối dần được khôi phục và tăng nhanh chóng. Hiện tại, toàn xã có khoảng 60ha chuối ngự.

Đặc biệt, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào năm 2009. Không những thế, chuối ngự cũng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Qua đó, giúp xã Hòa Hậu có cơ hội mở rộng diện tích, thị trường và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem