101 loài cỏ dại, cỏ nào có hại, cỏ nào thành rau sạch, cỏ nào gây ngứa, cỏ nào không cho cây khác ngóc đầu?

Thứ tư, ngày 09/11/2022 11:40 AM (GMT+7)
Mưa là mùa của cỏ dại. Vườn nhà, chỉ cần liên tiếp vài ba hôm mưa, cỏ đã mọc dày. Rẫy gần rẫy xa, ngoảnh đi ngoảnh lại, um tùm đến khó nhận ra. Nhánh, cành của "cây mắc cỡ" đầy gai, sơ ý thì đã bị châm, đến khi chảy máu. Chỗ nào có cây mắc cỡ là ở đó, chẳng cây trồng nào ngóc đầu lên được.
Bình luận 0

Không nhớ rõ đã từng quen với đất cát từ khi nào, song chạm vào cỏ dại bằng chính đôi tay bé nhỏ, gầy guộc của mình, thì hẳn là từ hồi tôi còn bé. 

Nhà neo người, cuộc sống khó khăn, nên có lẽ ngày ấy, biết chạy nhảy tung tăng cũng chính là lúc bọn trẻ bắt đầu đỡ đần cha mẹ. So với cuốc vỡ cày sâu nặng nhọc, cần nhiều sức vóc, thì với chúng tôi, không gì phù hợp hơn là ... làm cỏ.

 Vườn nhà, rẫy xa, ruộng sâu, rừng rậm..., hầu như chỗ nào cũng sẵn sàng mọc nhiều và lan nhanh, cơ man những cỏ. Loại cỏ sẵn tên, loại chưa có tên, loại chẳng cần tên hay có loài tự đặt... Dù thế nào thì cũng cần nhặt kỹ, nhặt sạch, để cho cây trồng lên tốt lên xanh.

Trong số các loại cỏ thân mảnh, thân mềm, trước tiên, phải kể đến loài cỏ rất xanh, thân hình mảnh như cây lúa. Hạt phát tán từ đâu, chẳng rõ, song cứ mỗi độ vào đầu mùa mưa thì nó bắt đầu đua nhau “không mời mà đến”. 

Thường mọc chi chít trên nền đất thục, nó khiến người ta dễ nhầm. Song nếu lơ là bỏ qua, thì chẳng bao lâu, cứ lớn vượt lên, che luôn bất kể cây nào nó hòng chiếm chỗ. Có điều, rễ nó mọc nông, nên chỉ cần được phát hiện ra và chỉ với đôi tay trần bé nhỏ, cũng có thể dễ dàng bứt bỏ. 

Cũng vì rễ nó mọc nông, nên nhổ một cái là lên ngay, chứ không “dây dưa”, hay “tiếc đất” như mấy loài bám chặt! Ở những chỗ mọc nhiều cỏ “lúa” này, chỉ cần nhổ sạch đi, thì đám rau đám cây ở đó được “thoát nạn” mau, thư thả lên nhanh, không lo cản trở.

101 loài cỏ dại, cỏ nào có hại, cỏ nào thành rau sạch, cỏ nào gây ngứa, cỏ nào không cho cây khác ngóc đầu? - Ảnh 3.

Dọn cỏ dại trồng cây dưới tán rừng. Ảnh: TN

Có loài cỏ như cây rau dệu, thân mỏng mảnh nhưng rõ là cứng cáp, lá  thuôn nhọn được phủ nhiều lông dày. Rễ nó không sâu, song vì mọc lan theo chiều ngang, nên đua ra rất mạnh. 

Cỏ này, chỉ cần nhổ được gốc lên, thì chẳng mấy chốc, nó đã héo rũ, không còn có thể vươn cao, ngạo mạn được nữa. Lại có loại cỏ dại mà yểu điệu, xinh xinh như dáng hình hoa đồng tiền vậy. Loại đấy đời ngắn, mới mọc chừng độ gang tay đã sớm nở hoa rồi tự mình kết quả, thành ra khả năng sinh sôi, phát tán của nó luôn nhanh chóng đến khó ngờ. 

Cũng như loài cỏ “ lúa”, loại này dễ nhổ, dễ diệt, chỉ cần xử lý bằng cách đốt đi hoặc vùi sâu xuống đất, là xong.

Ngày nhỏ, thường nghe mẹ bảo: Cỏ là kẻ thù của cây. Những thứ mà ta nâng niu, chăm sóc như cây như hoa như trái thì nhiều khi còn phải qua bao thử thách, khó khăn, mới thành hình dạng. 

Ấy vậy mà cái giống cỏ dại không trồng, không ưa thì cứ thế mà lan mà tràn. Thế nên, để cây để hoa tốt tươi, chẳng thể nào không siêng năng diệt trừ cỏ dại.

 Ai từng làm bạn với đất đai, hẳn cũng như tôi, “sợ” nhất luôn là cỏ gấu. Cỏ gấu thường mọc ở nơi đất hoang, đất bờ, đất cần cải tạo. Vì kết cấu rễ sâu, củ chùm, gan lì bám chắc vào trong lòng đất, nên nhổ cỏ gấu phải nhổ tận cùng, hết gốc. 

Nếu không, thì từ rễ từ củ của nó, lại mọc ngay lên cây con, như để trả thù. Vậy nên, để rễ cỏ gấu không bị đứt đoạn giữa chừng, để diệt tận gốc cái loài thi gan trêu tức, tôi thường theo mẹ dùng chiếc cuốc nhỏ đào sâu xuống; sau đó, được cả cụm cả rễ cả củ, mang nhặt nhạnh, giũ đất kỹ càng. Gốc rễ cỏ gấu phải được phơi khô trước khi đốt đi, mới có thể hy vọng ngăn ngừa được sự lây lan tùy tiện.

Trong số các loài cỏ dại có gai, “mắc cỡ” - nghe tên cứ tưởng thẹn e, ấy thế mà “day” tận tay, mới thấy rõ cả mối nguy, mối ngại. 

Mắc cỡ thân thảo, mọc lan, tạo hóa linh ứng trong thân như một cô gái vụng về, e ấp, chỉ cần đụng nhẹ vào thôi, nó đã “rùng mình”. Ấy thế mà từ nhánh đến cành của nó đầy gai, sơ ý chút thôi thì đã bị châm, đến khi chảy máu. Chỗ nào có cây mắc cỡ là ở đó, chẳng cây trồng nào ngóc đầu lên được.

Cùng họ có gai, càng đáng gờm hơn, chính là loài cỏ “nàng hai” không chỉ chi chít những gai, mà còn gây ngứa. Loại này cây thẳng, lá nhỏ nhưng dày, song từ phần thân cứng cáp của nó, lúc nào cũng được phủ dày kín một lớp gai ngắn. Cây càng già, gai càng cứng và độ ngứa càng dữ. Để tránh lây lan, phát tán, “nàng hai” thường được diệt trừ từ lúc còn nhỏ.

Cỏ dại quanh năm, song mùa mưa thường chính là lúc chúng hoành hành, đến không ngăn kịp. “Chỉ có nước phải dọn sạch đi thì rau củ, quả cây mới có đất sinh sôi, kết dành thành tựu...”. Phải chăng, đó cũng chính là cuộc sống của chúng ta, với bao cản trở, thử thách rất cần vượt qua... Như lời chiêm nghiệm từ ngày nào, cho đến mai này, vẫn nguyên ý nghĩa.

Thanh Thư (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem