dd/mm/yyyy

Giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ĐBSCL cao nhất 3 tháng qua

Giá tôm tại các tỉnh ĐBSCL tháng 10/2024 tiếp tục đứng ở mức cao, tăng cao nhất trong 3 tháng qua; giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm tăng 3.000-10.000 đồng/kg.

Theo Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), giá tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 9/2024 lên mức 8.000-10.000 đồng/kg và tiếp tục tăng thêm từ 1.000-2.000 đồng/kg và ổn định cho đến nay. Cụ thể, hiện tại, giá tôm thẻ được mua tại ao loại 30 con/kg có giá từ 165.000/kg; loại 40 con/kg 135.000/kg - 140.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá thu mua 120.000 đồng/kg. Đây là mức giá tôm thẻ chân trắng tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Với giá tôm này, nông dân nuôi tôm thẻ có lợi nhuận từ 20.000-30.000 đồng/kg (tùy loại) so với giá thành thành sản xuất.

Trong những tháng đầu năm, giá tôm thẻ chân trắng thấp, liên tục giảm (nhất là tháng 6, 7) tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng tăng khá mạnh, trung bình tăng 17.300 đồng/kg so đầu năm và tăng từ 9.000 – 39.000 đồng/kg so cùng kỳ.

Tôm sú thương phẩm có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, mức sụt giảm giá tôm thương phẩm thấp hơn so với tôm thẻ chân trắng. Tôm sú nếu nuôi đạt kích cỡ lớn từ 20 con/kg trở lên, giá bán bình quân trên 200.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt đến 75.000-80.000 đồng/kg so với giá thành thành sản xuất.

Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục khả quan trong quý IV/2024 tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm.

Giá tôm tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đứng ở mức cao - Ảnh 1.

Liên quan đến tình hình sản xuất, quý III/2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam ước đạt 368.700 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 88.200 tấn, tăng 2%. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), sản lượng tôm của Việt Nam trong quý III/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi siêu thâm canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao. Tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 701.400 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 210.300 tấn, tăng 2,2%.

Số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt 7.019.100 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác 2.974.300 tấn, tăng 0,7% (riêng khai thác biển 2.827.000 tấn, cũng tăng 0,7%); Nuôi trồng 4.044.000 tấn, tăng 3,7% (cá tra 1.259.5000 tấn, tăng 4,6%; tôm 976.000 tấn, tăng 4,5%). Sản lượng nuôi trồng đã gấp 1,35 lần khai thác, chuyển biến phù hợp với định hướng tăng nuôi trồng và giảm khai thác.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 9/2024 giảm 6,23% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 13,64% so với tháng 9/2023, đạt gần 921,93 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 7,23 tỷ USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm 2023.

Thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm 18,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt trên 1,33 tỷ USD, tăng 14,16% so với 9 tháng đầu năm 2023. Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 16,76%, đạt trên 1,21 tỷ USD, tăng 19,82% so với cùng kỳ. Tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt 1,11 tỷ USD, chiếm 15,37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 10,43% trong tổng kim ngạch, đạt trên 753,94 triệu USD, tăng 10,82%..

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, tính đến 15/9/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 516 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang EU đạt 337 triệu USD, tăng 15%; sang Trung Quốc & Hồng Kông đạt 529 triệu USD, tăng 26%. Trong số các thị trường chính, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản lại giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, còn 342 triệu USD.

Theo VASEP, mặc dù năm 2024 tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường.

Tính đến cuối tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh cũng tăng hơn 4,5%. Điều này kéo kết quả xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm sú đạt 334 triệu USD.

Đánh giá về nhu cầu tại các thị trường, VASEP dẫn số liệu từ Cơ quan quản lý khí quyền và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), trên thị trường Mỹ, trong tháng 8/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador khi xuất khẩu tôm từ các nguồn cung này sang Mỹ đều giảm. Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ ghi nhận tăng từ 4,59 USD/Lb vào tháng 7/2024 lên 4,95 USD/Lb vào tháng 8/2024.

Thủy Chung